Tin vào sự phục hồi kinh tế Việt Nam

TTO - Các doanh nghiệp (DN) đã đánh giá triển vọng tái mở cửa, phục hồi kinh tế của VN lạc quan hơn. Nhiều dự án mở rộng sản xuất đã được DN Hoa Kỳ cam kết triển khai.

 

Các thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo "Gặp gỡ Hoa Kỳ: Chung tay hợp tác tái mở cửa phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam", được tổ chức vào chiều 23-11.

 

Nhiều dự án mở rộng đầu tư ngay sau dịch

Bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại VN (Amcham), cho biết khảo sát mới nhất của Amcham cho thấy bức tranh hồi phục hoạt động sản xuất của DN Mỹ tại VN khá lạc quan.

18% DN đã hồi phục lại sản xuất bình thường hoặc tăng công suất, 45% hồi phục được 80%, 22% trên 60% công suất...

Ông Kheng Joo Ung, tổng giám đốc Công ty First Solar VN, cho hay sau 99 ngày thực hiện "3 tại chỗ" và kết thúc vào ngày 21-10 vừa qua, nhờ các biện pháp phòng ngừa và độ phủ vắc xin tăng nhanh mà hãng tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế của VN. "Chúng tôi đang muốn tăng công suất 10% trong quý 1-2022", ông Kheng Joo Ung nói.

Ông Leonardo Garcia, tổng giám đốc CocaCola tại VN và Campuchia, cũng tin nền kinh tế VN sẽ quay trở lại và phục hồi tốt vào cuối năm nay hoặc trong đầu quý 1 năm sau. Hiện DN này đã có giấy phép mở rộng đầu tư ở VN để đón xu hướng này.

 

Trong khi đó, kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tại VN cũng được Wanek Furniture, nhà sản xuất nội thất Mỹ, triển khai ngay sau khi dịch dần được kiểm soát.

Ông Andrew Lien, phó chủ tịch Wanek Furniture châu Á, cho biết: "Chúng tôi vẫn tin tưởng về tương lai ở VN và tiếp tục đầu tư cho những dự án sắp tới với mức tăng trưởng cao hơn".

 

Nhiều kiến nghị

Theo ông Don Lam, tổng giám đốc VinaCapital, quỹ này đã có những khuyến nghị gửi Chính phủ về các biện pháp kinh tế để đạt tăng trưởng bền vững hơn hậu dịch.

Trong đó, cần đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng, có chính sách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản vì đây là "trái thấp cành có thể hái ngay", cần gỡ các vướng mắc về giấy phép và phê duyệt các dự án...

Ngoài ra điều chỉnh một số điểm nghẽn hợp tác công tư, tăng tốc chuyển đổi số và tiếp tục các gói kích thích tài chính, kinh tế.

Ông Jahanzeb Khan, tổng giám đốc Pepsico VN, tin VN sẽ hồi phục nhanh nhưng cần lưu ý tính linh hoạt và nhất quán trong thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch. VN cần có lộ trình mở cửa các ngành rõ ràng, cùng DN giảm sức ép về tài chính, chính sách thuế, phí... "VN cần chuẩn bị 6 tháng sau tiêm mũi 3", ông Jahanzeb Khan lưu ý.

 

Thông tin đến các nhà đầu tư, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết VN đã kiên định chính sách sống chung với COVID thay vì "zero COVID". Nhưng "sống chung" là để kiểm soát, chứ không phải để bùng phát hay buông trôi.

TP.HCM gần như đã mở cửa tất cả, ngoại trừ một số lĩnh vực như spa, karaoke, quán bar... vẫn còn kiểm soát chặt. "Nếu chỉ mở cho sản xuất mà các hoạt động lưu thông, kinh doanh, tiêu thụ... không được đảm bảo tương ứng thì hoạt động sản xuất cũng bị đứt gãy", ông Hoan nói.

 

Vẫn vướng chính sách chống dịch

Nhiều DN phản ánh hiện quy trình nhập cảnh dành cho chuyên gia tay nghề cao vào VN còn khó khăn, phức tạp, dẫn đến nhiều DN gặp khó trong mở rộng sản xuất.

Một vướng mắc nữa là chính sách chống dịch của nhiều địa phương vẫn chưa thống nhất dẫn đến nhân viên, người lao động phải tuân thủ các cách thức chống dịch khác nhau.

Chẳng hạn quy định ở TP.HCM nới lỏng áp dụng cách ly F1 với những nhà máy có trên 80% lao động được tiêm đầy đủ, tuy nhiên các địa phương khác thì áp dụng theo cách cũ. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc thiếu lao động tiềm ẩn.

(Như Bình - TTO)

 

Các tin khác: